CÀ PHÊ SƠN LA – TIỀM NĂNG ĐANG ĐƯỢC ĐÁNH THỨC

Cà phê Sơn La được trồng ở đây từ trước năm 1945, trên các sườn dốc của chân dãy núi thấp, sườn đồi với độ cao phổ biến từ 600-1.200m.

Cây cà phê đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của người dân tại Sơn La, danh tiếng cà phê Sơn La đã từng bước có vị thế trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Thapelo Mokoena đã quảng cáo loại cà phê này tại một sự kiện và đã viết một bài báo về loại cà phê này.

Cục Sở hữu trí tuệ trao Chứng nhận Địa lý cà phê Sơn La cho tỉnh.

Cây cà phê đầu tiên được đưa vào Việt Nam năm 1857 và được trồng ở Việt Nam từ năm 1888. Người Pháp đã mang cây cà phê Arabica từ đảo Bourbon sang trồng ở phía Bắc Việt Nam, sau đó mở rộng sang các vùng khác. Khi đó, hầu hết cà phê được xuất khẩu sang Pháp dưới thương hiệu “Arabica du Tonkin”.  Các chủng cà phê thuộc dòng Arabica đặc biệt thơm ngon ở Việt Nam có Bourbon, Typica, Mocha (moka) – những chủng cà phê có lâu đời nhất trên trái đất. Hiện nay, đối với Arabica ở Việt Nam, Catimor được trồng phổ biến rộng rãi ở hầu hết các vùng nguyên liệu cà phê lớn trên cả nước là Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Trị, Nghệ An, Sơn La.

Trong cuốn “Sơn La với cây cà phê” của tác giả Đỗ Hùng (in năm 1988) có viết: “Ở Sơn La, khi nói đến người có vườn cà phê lâu năm phải kế đến bác Lò Văn Chiêng ở bản Phiêng Quài, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn… Bác Chiêng cho biết: Năm 1945, trong một chuyến đi phu cho bọn quan lại ở Châu Mường Nua (Mai Sơn) lần đầu tiên thấy cà phê thật lạ, trồng trong vườn quanh nhà vừa đẹp vừa cho quả sai. Thế là Bác Chiêng xin vài cây con về Phiêng Quài trồng ngay vườn nhà, chỉ sau 3 năm cà phê đã cho mùa quả đầu tiên. Mãi cho đến năm 1956, trong điều kiện hòa bình, mọi người phấn khởi xây dựng tổ đổi công, HTX mới có thời gian trồng thêm vài chục cây nữa. Cà phê giống, bác đều lấy từ trong vườn, do những quả cà phê chín rơi xuống mọc tự nhiên dưới tán cây trong vườn. Mỗi năm ngoài số giống cho các gia đình trong bản, bác đều trồng thêm vài cây ở vườn nhà mình. Cho đến những năm gần đây, vườn bác đã có trên 100 cây, hàng năm thu hoạch từ vài chục đến 100kg hạt cà phê…”.

Cuối năm 1987, tỉnh Sơn La đã thành lập Công ty Chè và Cà phê Sơn La, chịu trách nhiệm hướng dẫn, đầu tư vốn, làm các dịch vụ kỹ thuật phục vụ trồng mới thâm canh cà phê, thu đổi sản phẩm. Tỉnh đã ban hành các quy định về cho mượn đất để phát triển cà phê, chính sách thuế nông nghiệp, quyền lợi sử dụng sản phẩm trong chu kỳ kinh tế nhằm khuyến khích người làm cây xuất khẩu. Nếu mỗi gia đình trồng 100 cây cà phê (300m2 – 400 m2) cho sản lượng 100 kg cà phê nhân sẽ đổi được 500kg gạo tương đương với sản lượng 1 ha lúa nương (800 kg thóc/ha).

Năm 1987, diện tích cà phê trong vườn của hộ nông dân khoảng gần 100 ha.  Có vườn cà phê đã trồng 32 năm (năm 1956) tại Chiềng Ban – Mai Sơn và diện tích trồng ở HTX An Sinh – thị xã Sơn La (năm 1985) vẫn cho thu hoạch tốt. Đầu năm 1988, tỉnh ban hành Quyết định 80/UB-QĐ ngày 12 tháng 3 năm 1988 về việc cho các thành phần kinh tế cơ sở (nông trường quốc doanh, tập thể, các hộ gia đình) mượn đất trồng, đất hoang hóa, đất chưa sử dụng thuộc đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp tập trung ở vùng đã có quy hoạch, cơ cấu kinh tế vùng ưu tiên đặc biệt cho vùng trồng cây cà phê xuất khẩu. Sản phẩm cà phê được thu mua ổn định.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước (cho vay vốn mua giống, vật tư, gạo ăn đảm bảo lương thực), thông qua Công ty Chè và Cà phê, diện tích cà phê tại Sơn La ngày càng mở rộng. Năm 1989 giống cà phê chè Catimor được đưa vào trồng đối với các diện tích trồng mới. Đầu những năm 1992-1996, cà phê Arabica Sơn La được phát triển mạnh và trở thành cây xóa đói giảm nghèo tại địa phương, tạo thu nhập cho người dân, đồng thời giúp tỉnh Sơn La trong việc xóa bỏ cây thuốc phiện theo chủ trương của Nhà nước.

Hiện nay, vùng trồng cà phê Sơn La tập trung chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp và thành phố Sơn La với diện tích gần 20.000 ha, cho sản lượng 30.000 tấn mỗi năm. Sơn La là vùng trồng cà phê Arabica lớn của cả nước. Tỉnh Sơn La đã quy hoạch vùng trồng cà phê tập trung ở những vùng lợi thế, chú trọng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến. Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, liên kết và phát triển cà phê tại Sơn La theo hướng bền vững và gia tăng giá trị thông qua chế biến.

Những năm gần đây trên thị trường đã xuất hiện một số doanh nghiệp, cơ sở sử dụng cà phê tại các địa phương ở địa bàn tỉnh Sơn La thông qua các hoạt động chế biến cà phê thành phẩm như Công ty TNHH Cà phê Sơn La (cà phê Minh Châu), doanh nghiệp Minh Tiến, doanh nghiệp Đoàn Lộc. Đây là biểu hiện của danh tiếng cà phê Sơn La trên thị trường, đặc biệt là trong giới kinh doanh cà phê.

Ngày 28/9/2017, sản phẩm cà phê Sơn La được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 3262/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00058 của Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Các sản phẩm được bảo hộ bao gồm cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột. Cà phê Arabica Sơn La đặc trưng bởi vị chua thanh, đắng nhẹ, hương trái cây quyến rũ, là thức quà quê có “hậu vị” đã vượt ngoài phạm vi trong nước và vươn ra cả thế giới (sản phẩm có mặt tại các quốc gia Nga, Mỹ, Nhật và các nước Đông Âu), được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Sử dụng cà phê Sơn La sạch là “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”

Ông Đặng Văn Thịnh – Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Sơn La cho biết: “Là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, tuy nhiên trên thị trường nội địa đang tồn tại rất lớn cà phê pha trộn tạp chất và các loại bột được gọi là cà phê mà không làm từ cà phê, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Cà phê pha trộn và cà phê giả được trộn lẫn với nhiều loại hóa chất tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh ung thư. Ngoài ra, để cà phê có vị đắng, vị ngậy, sánh đặc, trong cà phê còn có sự góp mặt của hạt cau, thuốc ký ninh, cloxit, chất tạo bọt, tạo sánh, bơ công nghiệp và hương liệu. Ngay tại các thủ phủ cà phê Việt như: Buôn Ma Thuột, Lâm Đồng, Sơn La vẫn tràn lan các loại cà phê tạp chất, hóa chất.
Trước những thực trạng về cà phê không an toàn trên thị trường, mỗi chúng ta cần tỉnh táo và có trách nhiệm xã hội cao hơn nữa để bảo vệ sức khỏe của chính mình và mọi người, cũng như bảo vệ thương hiệu cà phê Việt trên thị trường quốc tế. Các nhà chế biến hãy kinh doanh và hướng tới trách nhiệm cao hơn là “Bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Nguồn: Phạm Thúy – Giadinhvaphapluat.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *