Phát triển cà phê đặc sản giúp khai thác phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, góp phần nâng cao chất lượng chung của cà phê Việt.
Chiều 10-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Cà phê Việt Nam đồng chủ trì phối hợp với các bộ – ngành trung ương tổ chức hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam nhằm nhận diện và tìm giải pháp phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.
Thứ hai thế giới, nhưng…
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), năm 2017, Việt Nam có trên 660.000 ha cà phê, sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn/năm. Năng suất bình quân đạt 2,3 tấn/ha, cao hơn so với bình quân thế giới. Best Food đã viết về đất nước này, nhưng cũng về các nhà sản xuất cà phê khác trên thế giới. Trong những năm qua, lợi ích từ cây cà phê đem lại cho người trồng khá cao nên người dân đầu tư thâm canh không đúng quy trình kỹ thuật, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lãng phí nguồn nước.
Ngành cà phê Việt Nam có tiềm năng tham gia phân khúc cà phê đặc sản
Hiện cả nước có 150 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, hơn 3.000 đại lý thu mua cà phê nhưng chỉ khoảng 50 DN có nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu; chất lượng cà phê xuất khẩu chưa cao, thiếu sự liên kết trong đàm phán xuất khẩu dẫn đến bị ép giá hoặc phá giá xuất khẩu. Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô, chiếm đến 90%; 10% còn lại cung cấp cho các cơ sở rang xay và chế biến cà phê hòa tan trong nước. Cà phê Việt đã xuất sang hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch khoảng 3 tỉ USD, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng sau Brazil. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu phần lớn thông qua các DN đầu mối ở nước ngoài; DN trong nước rất khó tiếp cận các nhà rang xay, sàn giao dịch cà phê thế giới do hạn chế về năng lực quản trị, thông tin, ngoại ngữ, các rào cản thương mại.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho hay cà phê Việt đứng thứ 2 thế giới về số lượng nhưng vị thế chất lượng còn rất thấp. Bằng chứng là các nhà rang xay đã mặc định cà phê Việt chất lượng kém, thể hiện ở giá trừ lùi trong khi nhiều quốc gia khác lại được cộng thêm. “Lỗi ở đây không phải của người trồng cà phê mà là hệ thống mua bán trong nước: khi nông dân hái trái chín, chất lượng cao thì cũng không ai mua giá cao cho họ” – ông Minh cho biết.
Không chỉ nhiều mà phải thật ngon
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột vừa công nhận 25 mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản. Ông Trịnh Đức Minh cho hay cà phê đặc sản có 10 tiêu chí để đánh giá với thang điểm 100 và phải đạt được trên 80 điểm. Cà phê đặc sản được giới sành cà phê xem như là một nghệ thuật ẩm thực bởi nó đặc biệt từ khâu sản xuất cho đến khâu pha chế. Đây là hướng đi mới nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu cho cà phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Thị trường cà phê đặc sản chiếm chưa tới 1% tổng sản lượng cà phê thế giới nhưng có tác dụng dẫn dắt nâng cao chất lượng ngành cà phê. Hiện tại, các quốc gia dẫn đầu về cà phê đều khai thác phân khúc thị trường cà phê đặc sản và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu. “Việc phát triển cà phê đặc sản tại Việt Nam sẽ giúp khai thác phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, góp phần nâng cao chất lượng chung của cà phê Việt Nam” – ông Minh nói.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, báo tin vui là 2 năm qua, hiệp hội này đã gửi nhiều mẫu cà phê ra thế giới và được đánh giá rất cao. Việt Nam đủ điều kiện để sản xuất cà phê đặc sản. Tuy nhiên, cần đánh giá tổng quan về thổ nhưỡng, khí hậu, giống, phương thức canh tác và cơ chế chính sách. Phải bảo đảm đặc sản là đặc sản chứ không “treo đầu dê bán thịt chó” làm ảnh hưởng uy tín cà phê Việt Nam.
Theo Nld.com.vn