Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, lao động nhiều năm qua, cùng với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước hình thành vùng nguyên liệu cây công nghiệp tập trung, những thập niên qua, tỉnh Sơn La đã đã quan tâm phát triển cây cà phê và coi đây là cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh. Trải qua những bước thăng trầm, cây cà phê đã dần khẳng định vị trí là cây trồng chủ lực, tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Sơn La. Câu chuyện về quá trình phát triển cây cà phê Sơn La.
Sơn La có địa hình đồi núi xen kẽ các thung lũng với 2 cao nguyên Nà Sản – Mộc Châu, tạo nên các tiểu vùng khí hậu khác nhau, ôn hòa và có 2 mùa tương phản, với nền đất đỏ vàng tầng dầy và phì nhiêu, rất phù hợp cho phát triển cây công nghiệp, trong đó có cây cà phê. Từ những năm 40 của thế kỷ trước, cây cà phê xuất hiện ở Sơn La. Ban đầu, người dân đưa vào trồng tại các vườn nhà chủ yếu là giống cà phê Bourbon (đọc là Búp bông) để sử dụng, dần dần diện tích cà phê được mở rộng vươn ra các sườn đồi bám rễ, vươn cành, nở hoa, kết trái, khẳng định giá trị bền vững trong nhịp sống sinh sôi của đồng bào các dân tộc Sơn La.
Theo câu chuyện kể của ông Lò Văn Chiêng ở bản Phiêng Quài, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn là một trong những người đầu tiên đưa giống cây cà phê Bourbon (đọc là Búp bông) của Pháp về trồng tại vườn nhà vào năm 1945. Đây là giống cà phê có hương vị thơm ngon nhưng kháng sâu bệnh kém. Trải qua những thăng trầm theo năm tháng, thay đổi nhiều loại giống cho phù hợp; với sự ưu đãi của thiên nhiên, đến nay, Chiềng Ban có 1.200 ha cà phê chủ yếu là giống Arabica trở thành vựa cà phê lớn nhất, nhì của tỉnh với sản phẩm cà phê chất lượng, hương thơm đặc biệt riêng có.
Ông Phạm Quang An- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La:
Quá trình chọn cây gửi đất, thêm mùa ấm no cho đồng bào các dân tộc luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành chủ trương, cơ chế chính sách mở rộng vùng nguyên liệu cà phê. Tháng 11 năm 1987, tỉnh quyết định thành lập Công ty Chè – Cà phê để giúp người nông dân chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế thập sang trồng cây công nghiệp, chuyên canh cà phê, thu mua sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập. Giai đoạn này, cây cà phê được trồng chủ yếu là giống Catimor, Caturra… Không những vậy, để khuyến khích phát triển cây cà phê, ngày 12 tháng 3 năm 1988, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 80 về việc cho các thành phần kinh tế cơ sở (Nông trường Quốc doanh, tập thể, các hộ gia đình) mượn đất trồng, đất hoang hóa, đất chưa sử dụng thuộc đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp tập trung ở vùng đã có quy hoạch, cơ cấu kinh tế vùng ưu tiên đặc biệt cho vùng trồng cây cà phê xuất khẩu. Từ gần 100 ha cà phê ban đầu, đến năm 1995 toàn tỉnh có 1.591 ha cà phê, chủ yếu là giống Catimor, Caturra, một số ít diện tích trồng thử nghiệm cà phê vối. Ngày 02/10/1991, UBND tỉnh Sơn La đã có Quyết định số 317 ban hành chính sách phát triển cà phê và dâu tằm; ngày 23/3/1995, ban hành Quyết định số 161 về việc phê dự án phát triển 3.000 ha cà phê chè.
Sự nhất quán từ chủ trương đến hành động của các cấp, các ngành đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Từ cuối năm 1996, diện tích cà phê của tỉnh không ngừng được mở rộng trên địa bàn thị xã Sơn La (nay là Thành phố Sơn La), các huyện Thuận Châu, Mai Sơn và một ít ở huyện Sông Mã (nay thuộc huyện Sốp Cộp)… Những diện tích trồng cà phê giống Caturra dần được trồng thay thế bằng giống Catimor có khả năng kháng bệnh rỉ sắt cao. Không phụ công người, những vườn cà phê xanh đậm đơm hoa trắng muốt, chắt chiu tinh hoa của đất, của trời dâng cho đời những trái cà phê chín đỏ. Đến năm 2000, diện tích cà phê tăng lên 3.862, sản lượng 377 tấn; đến năm 2010 tăng lên 7.259 ha, sản lượng 7.544 tấn.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cà phê, do khí hậu mùa đông xảy ra sương muối, băng tuyết đã làm thiệt hại hàng trăm ha cà phê. Thời điểm này, việc sản xuất cà phê từ khâu ươm giống, trồng, chăm sóc, bón phân, tỉa cành, thu hái chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chế biến còn manh mún. Tỉnh cũng chưa có cơ sở sản xuất giống để cung ứng cho người trồng cà phê, dẫn đến tình trạng cà phê bị thoái hóa, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm, cùng với đó giá cà phê không ổn định năm lên, năm xuống khiến cho một số hộ gia đình hoang mang muốn phá bỏ cà phê. Trước thực trạng đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển cà phê bền vững.
Ngày 14/11/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2661 về rà soát, bổ sung quy hoạch vùng trồng cà phê tập trung tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 – 2020 với tổng diện tích quy hoạch là 10.000 ha. Cùng với các chính sách của nhà nước, tỉnh Sơn La cũng đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trồng cà phê, như: Nghị quyết số 88/2014 của HĐND tỉnh Sơn La về ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015 – 2020; Nghị quyết số 112/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015-2020. Các chính sách đã tác động tích cực đến việc phát triển cà phê trong tỉnh. Tính đến tháng 9 năm 2017, diện tích cà phê Arabica toàn tỉnh là 12.384 ha, sản lượng khoảng trên 10.000 tấn cà phê nhân. Diện tích trồng cà phê chủ yếu tập trung tại thành phố Sơn La; các huyện: Mai Sơn và Thuận Châu, chiếm trên 90% tổng diện tích trồng cà phê của tỉnh. Cơ cấu giống chủ yếu là cà phê chè Catimor. Sản xuất cà phê theo qui mô hộ gia đình, với diện tích từ 1-3 ha/hộ.
Ông Quàng Văn Biu- Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Đen- TP Sơn La
Bà Cầm Thị Hương- Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban- huyện Mai Sơn
Do điều kiện địa hình, hầu hết diện tích cà phê trong vùng chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa tự nhiên là chính, dẫn đến ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ cuối tháng 10/2014, đến nay, tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ ISRAEL cho cây cà phê tại 44 hộ thuộc các xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn La, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu và xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La với quy mô gần 24 ha. Kết quả cho thấy số diện tích này được chăm sóc theo đúng quy trình, cây đã ra hoa và đậu quả tốt, đặc biệt là cây có sức sống tốt, ít nhiễm sinh vật gây hại, cành nhánh dự bị tốt cho vụ sau; những diện tích cho thu hoạch năng suất và sản lượng cao hơn so với những diện tích không áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel.
Ông Tòng Văn An Bản Chiềng Xét – xã Chiềng Đen – TP Sơn La:
Về chế biến, tất cả cà phê ở Sơn La được chế biến bằng phương pháp chế biến ướt giúp đảm bảo phẩm chất nội tại của hạt cà phê, cho ra sản phẩm cà phê nhân có màu sắc và chất lượng đồng nhất; Cà phê luôn có chất lượng tốt hơn và các giá trị thương mại cũng cao hơn. Đa số các hộ trồng cà phê tại Sơn La đã tự mua được máy xát quả tươi quy mô nhỏ và công nghệ phơi sấy còn rất lạc hậu nên chất lượng cà phê thóc không cao, dẫn tới giá bán cà phê không cao. Ngoài việc sơ chế ở mức hộ sản xuất, tại Sơn La hiện có bốn nhà sơ chế cà phê thóc tại thành phố Sơn La và tại xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu với công suất khoảng từ 2-9 tấn quả tươi/giờ. Việc thu mua cà phê chủ yếu ở dạng sơ chế ban đầu. Công đoạn chế biến cà phê tiêu dùng từ cà phê nhân hầu như chưa được phát triển do thiếu vốn cũng như công nghệ chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường. Những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã bắt đầu chế biến cà phê tiêu dùng để tiêu thụ trong nước với số lượng còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy, chức năng chế biến thành sản phẩm cuối cùng chủ yếu do các tập đoàn cà phê đa quốc gia đảm nhiệm. Đây là thách thức rất lớn cho ngành cà phê chè khu vực Sơn La nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung.
Hiện thu mua cà phê ở Sơn La có 2 doanh nghiệp tham gia với sản lượng lớn là: Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến thu mua, chế biến 15.000-20.000 tấn quả cà phê/năm; Doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy (thuộc Công ty Cát Quế) thu mua chế biến khoảng 2.000 tấn cà phê nhân. Sản phẩm chế biến của cà phê Sơn La chủ yếu là hạt thô.
Ông Nguyễn Vĩnh Đức- Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa hình các tổ chức liên kết sản xuất, do vậy sản xuất cà phê vẫn ở dạng tự phát, nên nhiều diện tích cà phê được phát triển ngoài vùng quy hoạch ngay khó khăn cho công tác quản lý sản xuất và diễn biến tình hình sinh vật hại. Đứng trước những thách thức trên, công tác tổ chức sản xuất cần được tổ chức chặt chẽ hơn để đảm bảo một số các yêu cầu phát triển ngành cà phê Sơn La như: Khuyến khích và hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, hội sản suất kinh doanh cà phê, thông qua đó để hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, đồng thời là đầu mối để tiếp nhận sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước. Đối với diện tích cà phê nằm ngoài vùng quy hoạch: Cà phê trồng trên đất nông nghiệp vẫn tiếp tục chăm sóc kinh doanh nếu thấy hiệu kinh tế cao hơn so với cây trồng khác. Với diện tích cà phê trồng trên đất quy hoạch lâm nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng xử lý thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong quan hệ sản xuất phải có sự liên kết chung tay của “4 nhà” Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà nông – Nhà doanh nghiệp; củng cố mối liên kết hợp tác giữa các thành phần kinh tế giữa doanh nghiệp với nông dân. Quan hệ giữa các doanh nghiệp trong ngành phải chặt chẽ thống nhất trong xây dựng cơ chế kinh doanh… Đẩy mạnh việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức trong nhân dân, trong các tổ chức và cá nhân có ý thức bảo vệ, giữ gìn vườn cây cà phê, tăng cường phối hợp các lực lượng có liên quan để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ các sản phẩm cà phê, nhất là trong thời điểm thu hoạch để bảo đảm chất lượng vườn cây và sản phẩm cà phê. Tăng cường sự kiểm tra giám sát về quản lý Nhà nước về thực hiện dự án trên địa bàn. Đưa sản xuất kinh doanh cà phê trong tỉnh thành một ngành kinh tế với một tổ chức quản lý- kinh doanh thích hợp, đáp ứng các mối quan hệ và các mối liên hệ của một ngành sản xuất- kinh tế và kỹ thuật, gắn việc xây dựng và phát triển kinh tế trên địa bàn huyện, thành phố, đảm bảo điều hoà được các lợi ích của Nhà nước và nhân dân.
Trước thực tế đặt ra, Kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê của tỉnh Sơn La giai đoạn 2015 – 2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 2968 ngày 27/11/2015 của UBND tỉnh Sơn La. Với diện tích hàng chục ngàn héc ta, cây cà phê trên đất Sơn La đã mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ cho người nông dân mà trước đây họ chỉ biết trông vào hạt thóc, bắp ngô, củ sắn. Cùng với đó là sự phát triển của các doanh nghiệp, các HTX đầu tư kinh doanh, chế biến, xuất khẩu cà phê, tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động.
Tháng 10 năm 2017, sản phẩm cà phê tỉnh Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Sơn La” cho sản phẩm cà phê của tỉnh Sơn La; đây là điều kiện để cà phê Sơn La được vươn ra thị trường các nước trong khu vực và thế giới. Trước đó, ngày 10/10/2017 Hội cà phê tỉnh Sơn La cũng đã được thành lập. Đây là những sự kiện có ý nghĩa, góp phần quan trọng trong việc quản lý Chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La, phát triển thương hiệu Cà phê Sơn La.
Ông Vương Hải- Chủ tịch Hội cà phê Sơn La
Về sản phẩm: Sản phẩm cà phê Sơn La hiện đã có danh tiếng trên thị trường được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến như Nhật Bản, Đài Loan,…, chất lượng đặc thù do điều kiện tự nhiên đem lại khác so với các vùng khác (vị chua thanh, đắng dịu, hậu vị đắng dài,…); Có thị trường tiềm năng phát triển: Hiện nay nay cà phê Sơn La được các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường các nước như Nhật Bản, Đà Loan; Có nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn với chất lượng, mẫu mã khác nhau, chưa thống nhất và chưa có cơ chế kiểm soát chung.
Về Các doanh nghiệp, hộ sản xuất: Đã nhận thức được sự cần thiết giữ gìn uy tín, chất lượng sản phẩm cà phê của địa phương; tình nguyện cùng xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê;
Về Chủ trương chính sách: UBND tỉnh đã có chủ trương phát triển cây cà phê của tỉnh
Theo quy hoạch đến năm 2020, quy mô cà phê của tỉnh Sơn La khoảng 13.000 ha, sản lượng cà phê nhân đạt 24.000 tấn/năm. Nhằm từng bước khắc phục những bất cập và bảo đảm về chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tỉnh Sơn La đang tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cà phê theo hướng bền vững. Triển khai cơ cấu lại tổ chức sản xuất, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thành lập các HTX trồng, chăm sóc cà phê, làm đại diện của các hộ nông dân ký hợp đồng thu mua sản phẩm với các doanh nghiệp; xây dựng các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết giúp nhau sản xuất. Đẩy mạnh công tác tập huấn khuyến nông và các dịch vụ tư vấn, nâng cao trình độ canh tác. Đồng thời, có chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến cà phê, gắn với bảo vệ môi trường. Xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trên cơ sở hai bên cùng có lợi thông qua việc chia sẻ bình đẳng lợi nhuận trong quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu; khuyến khích nông dân thực hiện các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động chế biến cà phê và các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất cà phê.
Ông Hà Quyết Nghị- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La
Sau tất cả những cố gắng nỗ lực và tình yêu đối với cây cà phê, Sơn La đã trở thành một tỉnh trồng cà phê Arabica lớn ở nước ta. Chất lượng và sản lượng cà phê càng được mở rộng và nâng cao. Cà phê Sơn La mùa về sai trĩu cành, đỏ thắm trên những vùng quê. Hương cà phê Sơn La đã và đang lan tỏa trên mọi miền đất nước, vươn xa trên thế giới. Đó là những tín hiệu vui về một cuộc sống no đủ, đổi đời trên vùng đất Tây Bắc này với niềm tin hương cà phê Sơn La sẽ ngày càng vươn xa, tỏa sáng…